BÀI HỌC TỪ CÂY



Nếu chịu khó quan sát những sự vật, hiện tượng xung quanh, chúng ta sẽ chiêm nghiệm ra được nhiều bài học, đạo lý trong cuộc sống. Khi đặt lăng kính để quan sát thế giới, bạn có biết tôi đã nhận ra điều gì không? Nhìn vào sự sinh trưởng của cây, tôi đã tìm ra những yếu tố giúp cho cây có thể tăng trưởng và phát triển. Từ đó, tôi liên tưởng đến các nhân tố tác động nên sự trưởng thành của một con người.
Đầu tiên là hạt giống. Người trồng cây bao giờ cũng muốn mình có những hạt giống tốt để gieo trồng. Cây có nhiều loại, xuất xứ từ nhiều nơi khác nhau, cho nên việc chọn ra hạt giống tốt để gieo trồng là điều không dễ dàng. Người trồng cây tự phải biết cách để lựa chọn hạt giống sao cho phù hợp với khí hậu, thời tiết, mùa vụ, đất vườn, nơi trồng. Sau đó, cày xới đất cho thật tơi xốp, bón phân, tưới nước, cuối cùng là gieo hạt, rồi chờ đợi, và kết quả là hạt nảy mầm.


Cũng vậy, trong các cảnh giới, được tái sinh làm người là một phước báu, là một niềm hạnh phúc. Bởi con người thuộc loài động vật bậc cao, biết suy nghĩ, biết yêu thương. Hay nói cách khác, con người là chúng sinh có tình thức, là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần. Đặc biệt, con người luôn có ước mơ, hoài bão để mỗi ngày hoàn thiện bản thân và hướng đến một tương lai tươi đẹp.
Thứ hai là đất. Đất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc trồng trọt. Hạt giống dầu tốt đến mấy mà không gặp loại đất phù sa, màu mỡ thì cũng khó giúp cây nảy mầm, sinh trưởng và phát triển được. Ban đầu, hạt giống nảy mầm lên cây, cây có một lá mầm, rồi đến hai lá mầm, ba lá mầm,... Cứ thế ngày qua ngày, cây càng trở nên sum suê và tươi tốt.
Cũng như thế, tâm là mảnh đất sâu kín, là nơi dung chứa biết bao công hạnh cao đẹp, điển hình như: nhẫn nhục, khiêm hạ,...
Nhẫn nhục là sự đối mặt với những khó khăn, nghịch cảnh mà không sinh tâm bực tức, khó chịu, biết chấp nhận những gì đang diễn ra, chứ không phải như “nhẫn thì nhục” hay “nhẫn thì đục”. Nhẫn phải xuất phát từ bên trong thì mới gọi là nhẫn, vì nhẫn như thế mới có sức mạnh để yêu thương và tha thứ cho người khác. Giáo sư Trần Lê Nhân có câu:
Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để tránh tàn hại nhau.

Bên cạnh sự nhẫn nhục, thì đức tính khiêm hạ cũng là mảnh đất tâm vô cùng màu mỡ. Người khiêm hạ luôn tôn trọng chính mình trong yên lặng tỉnh giác; biết tôn trọng kẻ dưới, cung kính người trên; biết hạ mình xuống để không làm khổ mình, khổ người. Người biết sống với đức khiêm hạ luôn mong muốn mọi người được vui vẻ, hạnh phúc. Vì vậy, họ sẵn sàng trao yêu thương đến với tất cả mọi người, khi đó tâm họ cũng được thanh thản, an lạc.

Thứ ba là ánh sáng. Nếu không có ánh sáng thì cây sẽ không thể nào quang hợp được, cũng như không tự tạo ra hợp chất hữu cơ để nuôi dưỡng cây. Còn đối với con người, ánh sáng là chỉ cho sự hiểu biết. Chẳng phải chúng ta đang học hỏi không ngừng đó sao? Không những học từ lý thuyết sách vở mà chúng ta còn học cả trong những hành động và việc làm thường ngày. Nếu không có hiểu biết thì làm sao con người có thể đón nhận tinh hoa của thế giới, theo kịp sự phát triển của thời đại.



Thứ tư là không khí. Cây thuộc loại thực vật, mà thực vật thì bao giờ cũng hấp thụ khí ôxy và thải ra khí cacbonic. Tuy nhiên, với điều kiện ánh sáng mặt trời, cây mới có khả năng quang hợp, cho nên vào ban ngày thì cây hấp thụ khí cacbonic, thải ra khí ôxy và ngược lại. Sự trao đổi khí ở cây là một quá trình hết sức tự nhiên, nó giúp cây sinh trưởng và phát triển.
Nếu cây cần không khí, thì con người cần học hỏi, phát huy những đức tính tốt đẹp.
Trong “We Choice Awards”, một chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh những nhân vật truyền cảm hứng sống cho cộng đồng. Họ là những người có xuất phát điểm khác nhau, không ai giống ai, cả về hoàn cảnh, nghề nghiệp lẫn ước mơ. Nhưng có một điểm chung là họ luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng vì mục tiêu, lý tưởng; dám đương đầu với mọi hoàn cảnh khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống và họ đã thành công.
Nhà khoa học Thomas Edison có câu nói: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng, chín mươi chín phần trăm mồ hôi”. (Genius is one percent inspiration, ninety-nine percent perspiration). Câu nói đó đã có sự ảnh hưởng sâu sắc đến rất nhiều người, nó là động lực khuyến khích mọi người “cứ ước mơ nhưng hãy thực hành”. Đó chính là sự hấp thụ đúng nghĩa và là sự trưởng thành đúng chất.


Thứ năm là nước. Chẳng những cây mà mọi loài đều cần đến nước để sinh tồn và phát triển. Giả định một ngày không có nước thì thế giới này sẽ như thế nào? Ở đâu không có nước, ở đó không có sự sống, nó có thể là sa mạc cát – nóng bức và khô khan.
Nước đóng vai trò trọng yếu trong hầu hết các chức năng của cơ thể con người, nước chiếm từ năm mươi phần trăm đến bảy mươi phần trăm trọng lượng của cơ thể, nó giúp thân thể của chúng ta được duy trì sự sống qua một thể trạng vật lý. Còn ở đây nước chính là “lòng yêu thương” - phẩm chất tốt đẹp, cao thượng của con người. Người có lòng yêu thương là người có hiểu biết, vì vậy họ luôn hạnh phúc. Ở đâu có tình yêu thương thì nơi ấy sẽ có sức sống, hòa bình và hạnh phúc. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa triết lý này vào trong bài hát Để Gió Cuốn Đi như sau: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Đó thật sự là điều tuyệt vời. Nếu sống trong đời mà ai ai cũng biết yêu thương và quý trọng lẫn nhau thì thế giới này sẽ ngập tràn hạnh phúc.
Thứ sáu là sự chăm sóc. Nếu không có sự chăm sóc thì cây sẽ còi cọc, không phát triển, hoặc sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn thành công thì phải siêng năng, cần mẫn. Nếu không có sự nỗ lực, cần mẫn thì chúng ta không thể nào đạt được bất cứ điều gì mà mình mong muốn. Vì vậy, chúng ta hãy để tâm quan sát cuộc sống, hãy mơ ước và nỗ lực thực hiện, khi đó thành công nhất định sẽ đến với chúng ta.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chúng ta cứ nghĩ rằng nó rất huyền bí, nhưng thực tế thì vô cùng giản đơn. Nếu chịu khó để ý quan sát, trải nghiệm, thì chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều bài học quý báu. Đó là điều hết sức cần thiết. Việc quan sát giúp cho mỗi người ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn trong cuộc sống.

~ Việt An Khương







BÀI HỌC TỪ CÂY  BÀI HỌC TỪ CÂY Reviewed by Viet An Khuong on tháng 9 14, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.