ÂN TÌNH MẸ CHA
Trong cái vòng lẩn quẩn
của sinh tử, mỗi khi thân mạng ra đời đều là từ cha mẹ mà nên, ân đức đó không
thể nào chối cãi được.
Mây trời rộng lớn là
bao, biển cả mênh mông dường nào, chúng ta không thể nào đong đếm. Công ơn cha
mẹ cũng như trời biển vậy, vô tận, không bờ bến.
Nước biển mênh mông
không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không
phủ kín công cha.
Sự có mặt của ta là nhờ
muôn vàn những ân đức, nhưng ân đức của cha mẹ là cao cả nhất. Cha mẹ cho ta
cặp mắt biết nói, khối óc biết nghĩ, trái tim biết thương, gương mặt tươi vui,
nụ cười thân thiện,… và mọi thứ trên cuộc đời.
Khi ta cất tiếng khóc chào
đời là lúc mẹ bắt đầu chịu bao vất vả. Từ lúc còn nằm trong bụng đến khi chào
đời, rồi những bước đi chập chững đầu tiên luôn có hình dáng mẹ dõi theo. Nuôi
dạy nhiều năm, trải qua nhiều gian khó cực khổ, mẹ không so tính, không than
vãn một lời, chỉ mong con mình được khôn lớn, trưởng thành, chỉ muốn gửi đến
đứa con thơ dại một thông điệp nho nhỏ, rằng: “Mẹ thương con” – một tình thương
không giới hạn không rào cách, tình thương cho đi mà không cần nhận lại bất cứ
một điều gì.
Một đứa trẻ bụ bẫm, dễ thương thì người nào
cũng thích ngắm nhìn nhưng mấy ai thấu hiểu được lòng mẹ, sự đau đớn mà mẹ phải
trải qua trong những tháng ngày mang nặng đẻ đau, dưỡng dục nên người để có được
hình dáng như thế. Điều đó không gì có thể diễn tả được, chỉ biết rằng mẹ đã hy
sinh mọi thứ vì con thơ, kể cả đổi lấy những gì tốt đẹp cho con bằng chính thân
mạng của mình. Mẹ còn trên đời là ta có tất cả, một bầu trời trong xanh, “người
anh” chiều chuộng, đồng ruộng đầy ắp lúa nàng thơm,… Tình mẹ là tình cảm thiêng
liêng không gì so sánh được!
Còn hình bóng của cha… Nếu như mẹ dịu hiền, ân
cần bên ta thì cha không những là trụ cột chính trong gia đình mà còn là người
phải giải quyết rất nhiều việc ở ngoài xã hội. Ấn tượng về cha luôn là người
đàn ông ít nói, nghiêm khắc nhưng lại rất gần gũi, tình cảm và bao dung. Sự hy
sinh thầm kín của cha chính là chiếc bóng luôn dõi theo, luôn cùng ta trên mọi
quãng đường đời. Chỉ khi nào bất chợt quay đầu nhìn lại, ta sẽ nhận ra bóng
dáng đằng sau ấy chính là cha mình.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện: Một
lần nọ, người con về quê xin cha mình tiền để đóng học phí. Thay vì đưa tiền
cho con như những lần trước thì hôm nay người cha cứ ngậm ngùi, yên lặng giây
lát, rồi ông nói rằng: “Cha chưa có tiền vì vừa qua kinh tế gia đình gặp khó
khăn, cha chạy vạy nhiều chỗ mà chưa lo được tiền để gửi cho con”. Phút giây gặp
gỡ ngắn ngủi ấy khiến cho đứa con vô cùng xúc động, không sao nói hết được nỗi
lòng của mình dành cho cha.
Bạn
thấy đấy, sự có mặt của ta trong cuộc đời khiến cha mẹ lo lắng đủ điều. Con
càng lớn thì cha mẹ lại càng phải quan tâm, để ý nhiều hơn. Và càng lớn thì nhu
cầu của con ngày càng cao, do đó cha mẹ phải miệt mài làm lụng rất vất vả và
mệt mỏi. Nhưng tất cả, chính vì lo cho con, để rồi sầu khổ cũng vì con!
Đi
khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh
nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Cha mẹ luôn bên cạnh con,
giống như những chiếc lá sen già cỗi bên cạnh những bông sen tươi thắm. Dù
những bông sen có tỏa hương khoe sắc thì những màu sắc, hương thơm đó cũng là
một phần của lá sen già cỗi kia, tuy đơn sơ mà vô cùng cao đẹp. Cũng giống như
cha mẹ là chốn bình yên và ấm áp mỗi khi con nghĩ về.
Đơn
sơ một chiếc cầu ao
Mẹ
ngồi vo gạo trắng phau mái đầu
Đơn
sơ nhưng đẹp biết bao
Như
bông sen trắng xuyến xao mặt hồ.
(Hoài
Thương)
Tình thương mà cha mẹ dành
cho ta quá lớn, không gì có thể sánh được. Vì vậy, người làm con phải thấu
hiểu ân tình cao cả của cha mẹ để tránh làm những việc khiến cho cha buồn mẹ
khổ và cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất để dành cho cha mẹ.
Dù ta có thành công, sự
nghiệp có rỡ ràng như thế nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận công ơn của
hai đấng sinh thành. Sự hiểu biết giúp ta làm tốt mọi công việc nhưng chưa hẳn
ta đã làm tốt nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ. Chính sự soi sáng từ lời dạy
của bậc Tỉnh Thức sẽ giúp ta trở về mái ấm của tình thương, giúp con biết hướng
về cha mẹ và nguyện sống với hạnh hiếu, hướng về đức Phật và nguyện thực hành
hạnh yêu thương. Tình thương và sự hiểu biết đều rất cần thiết trong cuộc sống,
nó giúp cho chúng ta sống thật tốt ở kiếp người để xứng đáng với những gì mà
cha mẹ đã làm cho ta.
Ngày trước, bậc Tỉnh Thức còn đáp đền ơn đức cha mẹ huống gì chúng ta. Vào hạ thứ hai, Ngài
đã về quê nhà là thành Ca Tỳ La Vệ thăm cha mẹ anh em và giảng giải giáo pháp
độ cho vua cha và bà con quyến thuộc dòng tộc Thích Ca. Lúc vua Tịnh Phạn bệnh
nặng sắp lâm chung, bằng lời nói dịu hòa
và yêu thương, đức Phật không những giải tỏa nhiều điều khúc mắc, mà
còn giúp đức vua cảm thấy vô cùng yên ổn trước khi nhắm mắt. Sau đó, Ngài còn lên cung
trời Đao Lợi thuyết pháp độ cho mẹ của mình là hoàng hậu Ma Da.
Một
lần khác, đức Phật đi qua một ngọn núi, bỗng Ngài dừng chân và cúi đầu lạy đống
xương khô. Chứng kiến sự việc này, tôn giả A Nan thắc mắc, mới bạch hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài là thầy của trời người, Cha
lành của bốn loài, ai ai cũng phải kính lạy, cớ sao Ngài lại lạy
đống xương khô”. Đức Phật trả lời cho tôn giả A Nan biết, núi xương khô ấy
chính là xương cốt nhiều đời nhiều kiếp của cha mẹ mình. Với
lăng kính trí
tuệ, thấy rõ công ơn của cha mẹ khó mà đáp đền, vì thế Ngài cúi
đầu lạy đống xương khô. Phật là một bậc tôn quý trong đời mà còn làm như thế, huống hồ những kẻ phàm phu như chúng ta cần phải biết học tập noi theo, làm
những điều tốt đẹp, khắc ghi và báo đáp ân đức của cha mẹ.
Ngoài đức Phật, còn có đức Mục Kiền Liên là một trong mười vị học trò ưu tú của Ngài. Sau
khi thành tựu quả vị Thánh, Tôn giả liền dùng thần lực của mình để tìm kiếm mẹ,
và biết được mẹ đang bị đọa đày trong địa ngục A Tỳ. Thương mẹ nhưng không có
cách nào có thể giúp mẹ thoát khỏi cảnh tối tăm, đau khổ. Cuối cùng, đức Phật
đã chỉ dạy cho tôn giả phương pháp cứu mẹ: Phước báu tu tập cộng với công năng hồi hướng
của đoàn thể Tăng già đã giúp cho bà Thanh Đề chuyển hóa nghiệp
xưa, khởi niệm tâm lành sinh lên cảnh giới tốt đẹp. Ngày nay, khi nhắc
đến người mẹ bị đọa đày trong cảnh tối tăm là chúng ta nhắc đến tấm gương hiếu
thảo của người con đại hiếu – đức Mục Kiền Liên. Nhắc đến Tôn giả là chúng ta nhắc đến ngày lễ Vu Lan – ngày mà những người làm con luôn nhớ nghĩ đến hai đấng sinh thành.
Quan
Thế Âm Bồ
Tát là hiện thân của sự quan sát rõ ràng, lắng nghe tường
tận những âm thanh của cuộc đời. Chúng ta cố gắng thực tập theo Ngài,
luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu, có nghe ta mới hiểu, có hiểu thì ta mới thực hành.
Khi ấy, chúng ta sẽ lắng nghe được nỗi lòng của cha, thấu hiểu được
tiếng lòng của mẹ mà gắng rèn thành con ngoan, thành người
tốt, có ích cho xã hội.
Đức
Phật từng dạy, nếu sinh ra vào thời không có Phật thì cha mẹ chính là hai vị Phật. Vì thế, người làm con phải luôn hiếu thảo đối với cha mẹ, phải biết cha mẹ còn ở trên đời là niềm vui lớn nhất. Người con hiếu thảo là người luôn sống tốt trong
mọi hoàn cảnh, báo đền ân đức của cha mẹ trong tâm tưởng, hành động, lời nói, không
những trong mùa Vu Lan, ngày Vu Lan mà ngay cả trong những sinh hoạt thường
nhật. Nếu không làm được như vậy, chúng ta sẽ trở thành những con người bất
hiếu và kết quả là luôn bị cột trói trong đau khổ của nghiệp nhân.
“Không
có điều tốt đẹp nào bằng sự hiếu dưỡng cha mẹ, không có điều xấu ác nào bằng sự
không hiếu kính mẹ cha”. Là đệ tử của bậc Tỉnh Thức, chúng ta phải luôn ghi nhớ công đức sinh thành cùng với đó là những nỗ lực không ngừng trên
con đường tu học. Như thế, mới có thể hoàn thiện được nhân cách của bản thân, trở thành người toàn vẹn cả tài lẫn đức để không phụ công ơn
cao dày mà cha mẹ đã hy sinh cho chúng ta.
~ Việt
An Khương
ÂN TÌNH MẸ CHA
Reviewed by Viet An Khuong
on
tháng 7 19, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào: