VUI QUÁ TRỚN THÌ ĐAU ĐỚN


Xã hội nào cũng vậy, con người đều luôn phấn đấu để đạt đến giá trị hạnh phúc mà bản thân mưu cầu. Chúng ta luôn tìm kiếm, chạy theo rất nhiều điều trong cuộc sống, vì cho rằng những điều có được sẽ đem lại niềm vui cho bản thân.

Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ,… có thể gọi là năm điều ham muốn mà ai cũng có. Ngoài năm ham muốn đó, người ta còn có nhiều điều ham muốn khác nhằm thỏa mãn cho nhu cầu của chính bản thân mình. Trong lúc chạy theo những thứ ham muốn ấy, họ đã vô tình đặt mình vào trạng thái tâm lý của sự bất an, vọng động, suy tính, lo toan,… những khát ngưỡng mong cầu có được mọi thứ để hưởng thụ đã làm cho họ đôi lúc quên đi bản chất thật của chính mình vì mãi cuồng mê mà chạy theo cái gọi là dục vọng, ham muốn.


Chúng ta luôn muốn nhiều những điều lợi về mình mà đôi khi lãng quên những người xung quanh. Thử một ngày nào đó, tạm gác lại những ham muốn, những danh vọng hão quyền, đặt lăng kính của mình vào cuộc sống, vào những người hiện diện xung quanh, bạn sẽ thấy có rất nhiều những mảnh đời chua cay, bất hạnh, đau khổ,… cần đến sự quan tâm, chia sẻ và tình thương của ta ban trải.


Khi có sự trải nghiệm, quan sát thực tế, chúng ta nhận ra một điều mà trước kia ta không bao giờ nghĩ tới, đó là “mình vẫn còn hạnh phúc”. Nếu chúng ta biết lắng nghe, quan sát, yêu thương, giúp đỡ mọi người thì cuộc sống này sẽ trở nên ý nghĩa và hạnh phúc. Bởi vì, chính sự trải nghiệm làm cho bản thân chúng ta hiểu ra được nhiều điều, có hiểu thì mới có thể thương, có thương thì mới giúp đỡ. Từ sự giúp đỡ người khác nên chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào là hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống. Còn không, chúng ta sẽ nhầm lẫn niềm vui chân thật và niềm vui giả ảo, hay cứ u mê đắm chìm trong cái hạnh phúc phù du.

Niềm vui không được xây dựng trên sự hiểu biết thì niềm vui ấy sẽ dễ phôi pha và chóng tàn. Người ta thường hay nói, vui quá hóa buồn – vui mà không biết mình vui trong chốc lát thôi thì sẽ đau khổ lâu dài, vui một ngày mà buồn thương, tủi hận nhiều tháng. Hận cho phận mình, rồi thì than trách phận mình sao đen tối quá, nhưng sự thật thì sao? “Đen hay trắng” đều do ta chọn cả. Vui trong sự dại khờ để giờ ta mới nhận ra, vị ngọt mà ta nếm được chỉ đọng một chút trên môi nhưng lại đắng hoài không dứt. “Có người đi mới gọi là con đường, có những con đường ta đi vào rồi có thể ra, nhưng cũng có những con đường vào rồi ta lạc mãi ngàn năm”. Con đường đó là do ta chọn vì chính ta đi thì con đường ấy mới có giá trị. Nếu con đường mà ta chọn để đi không có giá trị lâu dài, đó gọi là “con đường cùng”, lúc ấy ta muốn quay lại thì mất quá nhiều thời gian, sức khỏe, điều quan trọng hơn hết là phải có ý chí và nghị lực. Nhưng, khi vẫn thấy mình còn cơ hội để tìm lối đi mới thì đồng nghĩa với việc “nhìn lại và sửa đổi”. Nhận ra được điều đó, lỗi gì mà bản thân ta phạm cũng có thể cho qua, nỗi buồn nào cũng có thể xóa tan đi, chỉ còn niềm vui ở lại cùng với niềm hạnh phúc dài lâu.

Bởi lẽ thường, con người khi mới sinh ra thì trẻ đẹp nhưng đến lúc già thì mắt mờ, chân yếu, tay run, lưng còng, da nhăn nheo,... Tiền của do chúng ta làm lụng vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được, nhưng chẳng thể giữ được nếu có con cái hư hỏng, nạn cháy, thiên tai, động đất, sóng thần,… Người thân đang sống chung trong một mái ấm gia đình nhưng rồi đến một ngày nào đó họ cũng phải chia xa. Mọi thứ ở đời đều là vô thường, đều xoay tròn trong cái chuỗi dương âm nên không có gì là mãi mãi. Thấy rõ được sự thật này, các bậc thầy đạo hạnh khuyên chúng ta sớm thức tỉnh, hãy xem tiền của, đất đai, vật chất chỉ là phương tiện để sống. Chúng ta không nên quá tham đắm vào những thứ ham muốn để rồi phải chịu cảnh tù đày, bị trói giam trong ngục tối. Hiểu được như vậy, chúng ta hãy cố gắng gieo nhân tốt đẹp, đem của cải san sẻ khó khăn với người nghèo khổ, bần cùng, bất hạnh. Từ đó, đời sống của chúng ta càng thêm giá trị và lợi ích. Chúng ta phải thay đổi những thói hư tật xấu bằng những đức tính tốt đẹp, biết trân quý những gì ta có, đó là những hạnh phúc giản đơn mà không tiền của nào có thể mua đổi được.


Niềm vui từ bên ngoài là niềm vui không bền lâu. Chúng ta phải biết cách “chế tác” ra niềm vui nội tâm, từ đó ta làm những việc mình yêu thích bằng sự cố gắng, nỗ lực. Do vậy mà ta vượt lên trong mọi hoàn cảnh. Vui mà không rõ biết mình vui về vấn đề gì thì tác hại của nó vô cùng nguy hiểm. Cần phải biết được rằng, bản chất thật sự của niềm vui là xuất phát từ bên trong, chớ nên nhầm hiểu theo kiểu thông thường “vui dễ dãi” mà nhận lãnh những chuyện buồn không may. Vui – buồn chỉ là trạng thái nhất thời của cảm xúc, chúng cứ thay phiên nhau xuất hiện trong tâm ý của chúng ta, “trước khi buồn là vui, sau khi vui là buồn, sau khi buồn là vui, sau khi vui là buồn”. Vậy, chúng ta phải làm như thế nào đối mặt với nỗi buồn và niềm vui? Chắc hẳn có một số người đã từng nghe bài hát “Góc Đa Hình” của nhạc sĩ – ca sĩ Vũ Cát Tường, trong lời bài hát có đoạn “hãy đi và nhìn cuộc sống, ghi lại hết, bằng một cách riêng mình, bằng một cách riêng mình, bằng một góc đa hình, bằng một góc đa hình”. Niềm vui hay nỗi buồn đều là do góc nhìn vào các vấn đề, sự vật, hiện tượng trong đời sống. Góc nhìn được đặt như thế nào là điều vô cùng quan trọng, tuy cùng một vấn đề mà mỗi người có những suy nghĩ khác nhau, cách giải quyết không ai giống ai cả. Có người luôn luôn tự tin với những gì mình làm, mình nghĩ; có người lúc nào cũng suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Vậy nên, vui hay buồn phụ thuộc vào góc nhìn của chính bạn.

Hạnh phúc hay đau khổ chỉ là cảm giác tức thời. Cảm giác đó phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn và cách bạn quan sát nó như thế nào. - Happiness or suffering is just feeling at the moment. That sensation depends on your thought and how you observe it”. ~ Vak

Chính sự suy nghĩ, quan sát đúng với bản chất, điều đó sẽ giúp chúng ta có được nhiều niềm vui. Ta sẽ luôn biết rõ vui buồn là không thật có, trạng thái này không phải lúc nào cũng ở yên một chỗ mà chúng luôn thay đổi, xoay vòng. Do đó, khi vui thì ta vui trong sự kiểm soát để tránh trường hợp vui quá hóa buồn, còn khi buồn thì ta cũng để chúng tự đến rồi đi. Quan trọng là cách ta đặt góc nhìn, nó có đa hình hay không, có dựa trên nhiều phương diện, khía cạnh của vấn đề hay chăng? Có như thế, chúng ta mới nhìn nhận một cách đúng đắn, không mắc phải sai lầm cho rằng một hiện tượng là như thế này hay thế kia.

Nhìn lại chính mình, ta sẽ thấy được ta và cái bóng vui buồn trong ta, khi vui thì hiểu vì sao chúng ta vui, để vui nhưng có sự kiểm soát, không để rơi vào trạng thái vui quá trớn để rồi đau đớn. Có vậy, chúng ta sẽ khỏi căn bệnh bắt chước một ai đó, không rơi vào cái nghịch cảnh cứ than cứ trách: “Ta hận cuộc đời, ta hận mọi người và ta cũng hận chính bản thân ta. Mọi người đừng ai quan tâm ta nữa, hãy để cho ta yên”. Như thế, chúng ta sẽ không bị nỗi buồn giày vò, xâu xé trong tâm hồn và cho mình một cuộc sống an nhiên.

Vui trong lẽ thường, sẵn có; vui trong lẽ thường, vốn không. Bởi thế, sống giữa cuộc đời này chúng ta cần phải tập sống có lý tưởng, ý chí và nghị lực vươn lên. Hãy sống là chính mình, sống có ý nghĩa, sống tử tế “kindness” và sống tốt với mọi người xung quanh. Khi đó, chúng ta sẽ có niềm vui thật sự trong cuộc sống.

Vui nhưng tâm biết tâm hiểu, vui khi thấy nhiều người được vui, nhờ vậy mà trong lẽ thường chúng ta hằng vui. 

~ Việt An Khương.


VUI QUÁ TRỚN THÌ ĐAU ĐỚN VUI QUÁ TRỚN THÌ ĐAU ĐỚN Reviewed by Viet An Khuong on tháng 9 11, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.