... NƯỚC SẼ TRÀN VỀ


Bạn hãy quan sát thì thấy, nơi nào đất trũng xuống thì nơi đó nước sẽ tràn về. Ai mà chẳng biết đến đất đúng không? Tôi và bạn thường nghe: “Trái đất này là của chúng mình”, nhưng kỳ thật mà nói, chúng ta có thể gọi là “trái nước” vì phần lớn quả địa cầu này là nước (nước chiếm hơn 70% diện tích). Mặc dù vậy, đất vẫn góp một vai trò quan trọng trong hành tinh xanh này, bạn có thể xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi, tạo dựng kinh tế,… Con người, động vật hay thực vật đều cần đến đất để duy trì nguồn sống.
Một ngày nào đó, bạn hãy đi tham quan khu du lịch Đồng Sen, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đến đó, bạn sẽ thấy cánh đồng sen bao la bát ngát, sẽ được hít thở một không khí trong lành, ngắm nhìn một khung cảnh tuyệt vời. Nhưng có ai ngẫm nghĩ về một đạo lý có từ đây? Tôi chia sẻ cho bạn biết, thế giới này có nhiều điều để học và nhiều điều để nghĩ suy. Ẩn khuất dưới những ngàn hoa sen tỏa hương thơm ngát ấy, đất phải chịu sự trũng thấp để cho nước tràn về, cho bùn trải dài lớp lớp để nơi đó “sen được mọc lên”.

Cũng vậy, khi nào bạn sống được với đức tính khiêm nhường và từ tốn thì bạn sẽ học được những điều mới, điều hay mà trước đó có lẽ bạn không biết. Nếu bạn thường xuyên làm cho bản thân thấm nhuần bản chất khiêm tốn thì đức hạnh và phẩm chất của bạn sẽ “tăng trưởng” mỗi ngày, lúc đó bản chất sẽ trở thành khí chất của con người.

Trời được ví giống như chiếc nón kỳ diệu ở trên cao thì đất được coi như tấm lụa đào mềm mại trải dài phía dưới. Trong khoảng không rộng lớn của trời đất, từ những cảnh giới của thần thánh, con người cho đến quỷ vật,… bạn thấy đó, cảnh giới nào cũng đều yêu quý, kính trọng những người nào biết sống với hạnh khiêm tốn. Người khiêm tốn – họ luôn bao dung tất cả mọi việc dù là việc lớn hay nhỏ. Giọt nước tuy nhỏ nhưng cũng có thể làm tràn đầy lu to, nếu biết thương mình thương người thì bạn nên tích góp những đức nhỏ, thường xuyên làm các việc lành, dừng bặt suy nghĩ và làm một mảy may chuyện xấu ác. Bạn hãy tập nhìn và thấy trân quý mọi thứ có mặt trên cuộc đời, cũng như luôn luôn cẩn trọng trong việc hành xử giữa người và vật.
Khi bạn hiểu về những đức tính không tốt nơi bản thân thì lúc đó bạn mới có cơ hội để thay đổi và làm mới chính mình. Ngược lại, nếu bạn không hiểu thế nào là màu là sắc, ý nghĩa của sự tung bay, vươn xa của lá cờ của tính ỷ lại, lười suy nghĩ, tính a dua, bắt chước, tính vị kỷ cá nhân, tính tự cao tự đại,… trên bầu trời thì chắc chắn bạn sẽ té ngã nhiều lần trên con đường tạo dựng sự nghiệp, cũng như mắc phải những sai lầm, hối tiếc về sau. Điều này, các bạn trẻ, thế hệ thanh niên cần phải lưu ý, ngâm cứu cho thật kỹ khi bước vào cuộc sống.
Cái gì cũng có những quy luật riêng của nó, nếu người mà thiếu sự khiêm tốn, cứ luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ thì sẽ không giữ vững được gia nghiệp của bản thân. Tuy sự phát huy tài năng riêng biệt là một điều cần thiết để dẫn đến thành công, nhưng bạn phải rõ “cái ta, cái tôi riêng biệt đó” phải không ảnh hưởng đến một ai, mà còn hỗ trợ và giúp đỡ cho nhiều người. Không hiểu được đạo lý này, bạn sẽ nhầm tưởng rằng mình đang thành công nhưng kỳ thật đó chưa phải là thành công. Hoặc là cũng thành công nhưng sự thành công đó thật là ngắn ngủi và thất bại thì dài dài. Sự thất bại có thể mọi người không biết nhưng bạn biết và dù có thể dối gạt mọi người nhưng bạn không thể dối gạt lòng mình. Trên chặng đường làm mới bản thân, để ngày một thành công hơn, điều không thể thiếu là phải biết trân quý mọi người, mọi thứ xung quanh như trân quý chính bạn vậy. Sự thành công đến bằng con đường của sự nỗ lực, cố gắng, học hỏi và trao dồi kinh nghiệm, đó mới thật là thành công. Sống có ý chí, lý tưởng cộng thêm đức tính lành tốt của hạnh “biết khiêm tốn” thì thành công sẽ đến với bạn trong sự từ hòa, an bình và vững chãi.
Bạn càng hiểu biết nhiều về thế giới thì bạn càng phải khiêm tốn. Có như thế bạn mới học hỏi và tiếp nhận được những điều mới lạ khác của thế giới khách quan bên ngoài. Trong hệ Mặt Trời này, nhà Phật nói rằng: “con người của bạn nhỏ bé lắm! Cùng tồn tại song song với thế giới, đất nước, con người của bạn còn có nhiều thế giới, đất nước, con người khác”. Do vậy, bạn nên biết mình biết ta, vì “núi này cao, còn có núi khác cao hơn”. Nếu tĩnh lặng và khiêm tốn cùng song hành trong bản thân thì lúc đó bạn sẽ là người hạnh phúc nhất. Hai nhân tố ấy giúp bạn có thể học hỏi được nhiều điều từ môi trường xung quanh, từ những người tài giỏi, kể cả những người thấp kém hơn mình. Lãnh thọ và quý trọng những gì xung quanh ta. Khiêm tốn một phần là tăng thêm một phần công đức.
Hướng xuống cây lúa trổ bông
Hướng lên sừng sững gió đông dập dìu
Ở đâu khiêm hạ hiểu nhiều
Thì nơi ấy có mọi điều yêu thương.

Người sống ở đời, cần phải biết khiêm tốn trước mọi điều, mọi thứ trong cuộc sống. Cây lúa chín là cây lúa cúi đầu, sông càng sâu thì càng lặng. Cố đại lão Hòa thượng Thiện Hoa có dạy: “Người tu phải có lòng yêu thương loài vật, phải khiêm tốn nhún nhường, phải biết bổn phận của mình, phải nên luận bàn đúng theo lời Phật dạy và chỉ tự xét lỗi mình chớ nên tìm lỗi kẻ khác”. Bậc Tỉnh Thức cũng đã dạy rằng: “Hãy thắng người hơn mình bằng đức tính khiêm cung.”
Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp của con người, nó thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ và hành động. Khiêm tốn giúp chúng ta sống tích cực và làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm, uy tín, lòng tin và sự yêu mến của bản thân. Chính vì lẽ đó, hãy tập cho mình một lối sống khiêm nhường trước mọi người, mọi hoàn cảnh, chớ nên tự cao tự mãn với những gì đang có.
“Sự khiêm tốn, có giá trị như cái bóng loáng của bức tranh,
nó nổi bật lên và hùng dũng”.
(Học giả La Bruyère)
~ Việt An Khương

... NƯỚC SẼ TRÀN VỀ ... NƯỚC SẼ TRÀN VỀ Reviewed by Viet An Khuong on tháng 8 10, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.