Ăn... Tết


Trong chữ Việt của chúng ta, ăn có rất nhiều nghĩa lắm, mặc dù đơn thuần ăn chỉ là “nhai”, là bỏ vào miệng “nuốt”, nhiều người cứ nghĩ vậy. Điều đó cũng phải thôi, vì trong ngày Tết có quá là nhiều các món ngon, vật lạ (do mình chế thì thành lạ chứ sao), nhưng riêng tôi làm gì thì cũng cần phải ngẫm chữ “ăn” cho đến cùng, để rồi không ùa theo mọi người mà nói Ăn... Tết.

Không dừng lại từ bánh chưng của miền Bắc, bánh Tét của người miền Nam, mà còn quá nhiều các món ăn khác, ngon đến nỗi quên đi luôn nguồn gốc xuất xứ vùng miền. Vì thế, các bạn hãy cứ lựa chọn để ĂN.

Bánh Chưng, bắt nguồn từ chuyện sử của hoàng tử Lang Liêu, người con chí hiếu và tài đức vẹn toàn của vua Hùng Vương đời thứ 6, người làm món bánh dâng lên cho cha trong ngày vui của đức vua, sau khi đánh thắng giặc Ân. Chính chất liệu từ nếp dẻo, đậu xanh đã tạo nên cái bánh “ngon ơi là ngon!”, cộng thêm tấm chân tình tự tay mình làm, Lang Liêu đã làm vua cha hài lòng để truyền trao ngôi vị, loại bánh “Ngon” mà ngày nay gọi là “Bánh Chưng” đã vượt qua tất cả các món sơn hào hải vị của mười chín người con khác và được đức vua chọn để ĂN trong ngày Tết.



Bên cạnh bánh chưng, một loại bánh biểu trưng cho lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, đất rộng trời cao, xứ sở quê hương. Bánh Tét lại là sự giao thoa tín ngưỡng đa thần của văn hóa Việt Chăm, cộng thêm truyền thuyết mùa Xuân năm 1789, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đánh đuổi giặc Thanh, giữ yên bờ cõi, người lính mang theo những đòn bánh làm lương thực, sau khi thắng trận lần ấy, người lính Không Tên đã dâng bánh lên cho vua Quang Trung dùng trong dịp Tết. Tình cảm của người lính, sự thấu hiểu của đức anh minh, bánh Tét được vua chọn làm loại bánh để ĂN trong ngày Xuân.


Thức ăn thì quá trời quá đất, đúng là ba miền có khác. Quả là, Việt Nam, Ẩm thực Việt Nam vẫn là “nhà bếp của thế giới”, câu nói đầy tự hào, nghe có vẻ vui vui, nhưng đó là sự thật. Tết về, người Bắc bận rộn làm đầy các món: gà luộc, bóng bì, canh măng, chân giò, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối,... Người miền Nam cũng đâu chịu thua, tất bật lo đủ các loại: thịt kho nước dừa, khổ qua hầm, nem bì, dưa giá, dưa mắm, củ kiệu ngâm, bánh tráng,... Còn miền Trung, ai về miền Tây thì tự kể các món miền Trung ra đi nhé!


Mứt thì khỏi phải nói, nào là mứt: gừng, bí, cà chua, táo, dừa, quýt, sầu riêng, mít, khoai, chà là, lạc, me,.. cái gì cũng làm được mứt, nên gọi là “mứt được”, vì ăn cũng được, cũng ngon. Còn trái cây để chưng ngày Tết, ôi thôi đủ màu đủ sắc! Quả nào, Trái nào mà mang ý nghĩa “Phước – Lộc – Thọ” đều được dâng cúng và ĂN trong ngày Tết. Hạt có quá nhiều, nhiều quá nên khỏi phải kể, vì kể mà không được ăn, nhăn răng chờ cũng đâu được cắn. Tết mới được ĂN.


Mãi nói về những món ăn ngày Tết, mà xém chút nữa quên đi vấn đề chính. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, quả thật Tết là ai nấy cũng được ăn no, nhưng ăn no hay no quá đâu là tốt. Người giữ sức khỏe nên “ăn vừa” là tuyệt, “ăn ít” là vui, mà “ăn tạp” là bậy, do là năm con Heo. Ăn thì ăn, thưởng thức thì cứ thưởng thức, nhưng ngấm ngầm bạn và tôi nên hiểu, “TẾT KHÔNG PHẢI ĂN, MÀ LÀ TRẢI NGHIỆM”, trải nghiệm thì vẫn (ĂN) nhưng thêm vào đằng sau ba cái chấm (...), để mãi là người “Nghiệm Trải” Tết... Xuân Kỷ Hợi 2019.

~ Việt An Khương


Ăn... Tết Ăn... Tết Reviewed by Viet An Khuong on tháng 2 03, 2019 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.