ĐẾN RỒI ĐI


Hôm nay, lúc tiễn đưa nhục thân của một vị thầy đến lò hỏa táng, trong giây phút bùi ngùi, thương tiếc, tâm hướng nguyện thầm mong giác linh của Thầy được siêu sinh về cõi Phật, thoát khỏi kiếp nhân sinh vô thường, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện sinh – già – bệnh – chết trong cuộc sống này.


Ôi! Dù cho nhà cao cửa rộng, con cháu đông đúc, địa vị cao tột, bạc vàng đầy kho,… nhưng đến hồi ra đi cũng chỉ hai bàn tay trắng: “Sinh ra ta chẳng có gì – Chết đi cũng vậy có gì mang theo?”. Nếu có thì chỉ đem theo hai bàn tay đen, bởi lúc sống đã làm quá nhiều tội ác, liệu ngày nhắm mắt xuôi tay, có kịp nói với ai lời “xin tha thứ”! Nhà Phật gọi đó là “nghiệp”.

Nghiệp là tất cả những hành động tốt, xấu do thân, miệng, ý của chúng ta tạo ra. Đến khi từ giã cuộc đời này cái mà chúng ta mang theo chính là nghiệp. Vì vậy, những gì có hại cho mình cho người, đó là nghiệp ác, mỗi người nhất quyết hãy dừng lại. Bởi từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã gây ra quá nhiều lỗi lầm. Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp có hình tướng, mười phương hư không chẳng thể dung chứa hết”.

Nếu như không hiểu Phật pháp thì mãi u mê, không bao giờ quay đầu lại được và không thể nào sống đúng với ý nghĩa của cuộc sống này. Rồi đây, nghiệp quả trổ do nhân đã gieo, bao nhiêu là oan gia trái chủ, hận thù đòi mạng,… nếu không chuyên tâm tu tập, hành thiện tích phước thì con đường phía trước sẽ mịt mờ, không lối thoát.


Quả đắng hay ngọt đều do chính chúng ta chọn giống, vun trồng, chăm sóc. Thầy Thích Chân Tính từng nói:
Cho là còn có mất đâu
Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình.

Chỉ cần mỗi người áp dụng câu nói này trong cuộc sống thường ngày chắc chắn chúng ta sẽ rất hạnh phúc.


“Có cái chết nhẹ tợ lông hồng, có cái chết nặng như núi Thái”. Khi đã qua hết cuộc đời để sống, có tiếc nuối cũng không thể níu kéo mà ta phải chấp nhận, có cưỡng cầu cũng chẳng thể thay đổi số phận. Khi về với đất mẹ, có người sẽ ra đi trong sự ung dung, tự tại, chẳng muộn phiền vì mình đã sống một đời cho mình và cho người. Nhưng cũng có những thân xác phải vật lộn với bệnh tật đau đớn, phải chịu những sự hành hạ quằn quại trên cơ thể cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay trở về với cát bụi.

Vào thời không có Phật pháp, lòng người biếng nhác, không chịu làm lành, không giải oan gia, không cầu thoát tử, nên luôn phải sống trong não phiền, ăn qua ngày, chờ qua đời, vô nghĩa và hèn kém. Cho đến khi cuối đời là màn đen che phủ, quỷ dữ đến bắt thì vô cùng hoang mang và sợ hãi, khi không một bến bờ nương tựa…

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đi bằng sự an nhiên tự tại, vãng sinh về cõi Phật, thoát khỏi kiếp người tạm giả. Nhưng vì Ngài có lòng từ vô hạn, muốn cho chúng sinh dừng tâm vọng động nên đã chỉ dạy rất nhiều pháp môn, ngõ hầu nương vào thuyền từ đại nguyện của Phật mà vượt thoát sông mê, vượt thoát trầm luân khổ ải, vượt thoát cái chết đau đớn.

Cuộc sống này, mấy ai có thể vượt ra khỏi lưới sinh tử. Chúng ta ai cũng chỉ có một đời người để sống, để làm việc, theo đuổi đam mê của mình. Hãy nên nhớ rằng:

Ta đến và đi cũng nhẹ nhàng
Vô thường quẳng gánh chẳng vương mang.

Chính vì thế, hãy sống cho thật hạnh phúc, an nhiên, chớ xem trọng những ham muốn bản thân mà lãng phí đi những tháng ngày tươi đẹp của cuộc đời.

~ Việt An Khương

ĐẾN RỒI ĐI ĐẾN RỒI ĐI Reviewed by Viet An Khuong on tháng 12 17, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.