NƯƠNG TỰA VÀO NHAU


Có lần, tôi nhận đề tài: “VN... là con đường của nhận thức, vừa là con đường của cuộc cộng sinh”. Đây là một bài tập về nhà mà thầy dạy văn của chúng tôi muốn cả lớp phải nghiên cứu, tìm hiểu cho thật kỹ, rồi bắt đầu phân tích. Thật sự mà nói, nội dung của câu hỏi rất hay, nhưng cũng không dễ để giải quyết. Tôi phải tìm kiếm rất nhiều tư liệu liên quan đến VN thì mới có thể hiểu và viết tốt được chủ đề. Lần này, tôi cũng viết lại chủ đề đó, thế nhưng không phải để nộp cho thầy Văn, mà là để chia sẻ với các bạn.



Có lẽ, bạn sẽ hỏi: “VN là hai chữ vì vậy?” – VN là hai chữ viết tắt, đừng nghĩ VN là Việt Nam nhé, mà VN là VÌ... NÊN”. không có một cá thể nào tồn tại độc lập, riêng biệt, NÊN mọi sự vật, hiện, ta – tôi, anh – chị, cái này – cái kia,... đều phải nương tựa lẫn nhau trong vô số những nhân duyên. Sự nhiệm mầu này biểu hiện ngay khi chúng được sinh ra hay mất đi.

Tôi xin kể cho bạn nghe về câu chuyện người hùng đi tìm kho báu, anh ta vượt qua biết bao khó khăn trên chặng đường tranh đua, cạnh tranh rất nhiều với các đối thủ đáng gờm. Cuối cùng, anh ta cũng tìm đến được đúng nơi cất chứa kho báu, phá vỡ bức tường thành và đi vào bên trong. Tại đây, anh thật sự chạm tới món báu vật. Người hùng là hình ảnh tượng trưng cho tinh trùng của người nam, báu vật ám chỉ cho trứng của người nữ, người hùng chạm đến báu vật nghĩa là quá trình của sự thụ tinh.



Cái được gọi là giấc mơ của tình yêu, quả ngọt của sự say đắm, mật mã của cuộc sống, sự sống bắt đầu, đó chính là bào thai. Nhưng mấy ai biết được câu chuyện “sự sống” diễn ra như thế nào? Chúng ta cứ tự hào là mình như thế này hay thế kia, nhưng chẳng biết rằng sự có mặt của “I or You” là nhờ vào tinh của cha, trứng của mẹ và những yếu tố khác nữa. Thế mới bảo, “chẳng có gì là ta và của ta”.

Một chiếc xe gắn máy mà bạn đang chạy cũng thế, nó không phải tự hiện ra, do từ những cái không phải là xe” (chiếc thắng, cái khung, thanh truyền, động cơ, ắc quy, bánh xe,...) kết hợp lại để tạo thành. Và rồi, chúng ta tạm gọi nó là “xe gắn máy”, theo một cái tên thông thường mà con người đã đặt định.


Vốn dĩ, “cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này mất đi thì cái kia mất đi”. Mọi thứ riêng biệt được kết hợp lại với nhau tạo thành vòng quanh của các mắt xích, để rồi tạo ra những sản phẩm kỳ diệu cho cuộc sống, những con người vĩ đại cho cuộc đời. Sự liên kết mầu nhiệm ấy đã tạo nên một bức tranh tổng thể về con người và vũ trụ.

Nương vào chỉ dạy của những vị thầy trong cuộc sống, mới có những gương mặt trẻ xuất sắc như ngày hôm nay. Các bạn đã thực sự thay đổi rất nhiều, dám nghĩ dám làm, dám đội diện với khó khăn, thử thách, để rồi tự trải nghiệm và học hỏi. Thế hệ trẻ U30 đã thật sự lan tỏa, trưởng thành và thành công trong các lĩnh vực như: kinh doanh, khởi nghiệp, khoa học, thể thao, chính sách, nghệ thuật – sáng tạo,  hoạt động xã hội – giáo dục,... Ở đó, mỗi cá nhân đều nhận thức rõ về bản thân “muốn gì và làm gì”, nương tựa vào những điều kiện tốt, cộng với sức trẻ đầy nhiệt huyết “cháy hết mình với niềm đam mê”.


Hiểu được định luật, “không gì là riêng biệt, mọi thứ đang nương tựa vào nhau”, mỗi cá nhân có từng nhiệm vụ gắn kết với những cái khác, theo sự dẫn định của chính ý thức nơi mình, theo tư tưởng tích cực, theo nhân tố và quả tạo. Đặc biệt nhìn mọi vấn đề theo góc nhìn đơn giản mà rộng phủ sự hiểu biết, và đừng hỏi “tại sao lại như vậy, phải là như thế này, phải là như thế kia”, điều đó càng làm cho mình nhỏ hẹp thêm và phức tạp hơn trong tinh thần.

Theo lẽ thường, từ “độc lập”, “tự lập” có thể là đúng vì nó giúp cho chúng ta rèn luyện về ý chí, nghị lực của bản thân, tập tính không nương tựa vào ai, ỷ lại vào người khác, luôn sống trong tinh thần xông pha, vượt lên trên mọi khó khăn và thử thách. Rộng xa hơn nữa, chúng ta cần biết thêm “nói là độc lập, nhưng không có gì tồn tại độc lập”, hiểu được đạo lý này, mọi người sẽ cùng hòa điệu với cuộc sống, với mọi người xung quanh một cách dễ dàng.

Chúng ta không bắt người khác phải thay đổi, còn mình khăng khăng giữ tính không tốt; người khác cần phải sửa đổi ngay, còn mình “chuẩn không cần chỉnh”, hay cứ hỏi “sao họ lại nghĩ như vậy, làm như thế!”. Cũng chính vì không hiểu được đạo lý “do duyên mà sinh”, chúng ta không chấp nhận sự riêng biệt của mỗi người, mỗi vật. Thay vì những điều khác biệt cần được tôn trọng, quý mến, yêu thương, thì mình lại khinh thường, ghen ghét và xa cách đối với họ.


Đôi khi chúng ta còn lầm tưởng cho chính mình là “trung tâm của vũ trụ”, ngay lúc đó thì mình đã sai, mình có thể là người trí thức, biết được điều này, điều kia rất nhiều, để mình tự hào, tự đắc, nhưng chưa chắc mình có nhận thức đúng đắn. “Tri thức không phải là nhận thức, nền giáo dục cũng không có khả năng đào tạo ra một con người có nhận thức”, một câu nói thật sự ấn tượng của kỷ lục gia trí nhớ học thuật thế giới Dương Anh Vũ. Vốn dĩ nhận thứcnhư vậy, mỗi người tự nhận ra cái sai nơi mình để rồi sửa chữa, thay đổi; còn người khác chỉ là những nhân duyên, hoàn cảnh bên ngoài tác động thêm vào ý thức bên trong của chúng ta mà thôi.

Càng đi xa thì chúng ta càng hiểu đường vẫn còn dài, càng miệt mài thì càng thấy không đủ, càng nương tựa vào anh thì càng thấy mong manh, càng nương tựa vào ai thì càng thấy không có tương lai. Thế rồi, mỗi người tự thầm hiểu, nương tựa mà được hiểu rõ thì lúc ấy chính là sự nương tựa vững chắc, mỗi người tự thắp đuốc lên để tự soi sáng chính mình, vì chính nhận thức sẽ tạo ra thế giới...

~ Việt An Khương




NƯƠNG TỰA VÀO NHAU NƯƠNG TỰA VÀO NHAU Reviewed by Viet An Khuong on tháng 9 27, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.